Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Habubank và SHB trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ

Theo phương án sáp nhập được hai ngân hàng công bố, việc triển khai sẽ được tiến hành qua 3 giai đoạn: chuẩn bị, triển khai các thủ tục sáp nhập và hoàn tất giao dịch sáp nhập. Hiện tại thì ngày ngày 15/6 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3651 chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank, HBB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Như vậy, quá trình sáp nhập đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang trong giai đoạn 2 tiến trình hoàn thiện hồ sơ.

Trước đó, ngày 28/4, tại đại hội cổ đông của Habubank, trên 85% số cổ đông đồng ý về việc sáp nhập với ngân hàng SHB. Phương án sáp nhập với SHB được đánh giá sẽ là lối thoát an toàn cho Habubank.

Ngoài ra, việc sáp nhập này sẽ giúp Habubank dần xoá nợ xấu và 2 ngân hàng sẽ trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu cũng mạnh hơn. Cùng với đó, giúp mở rộng khả năng phát triển dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ, thị phần lớn hơn.

>> Habubank vượt qua khó khăn về nợ xấu
>> Habubank và những lợi ích sau khi hết nợ xấu

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Kế hoạch phát hành trái phiếu tạm dừng

Theo kế hoạch đã được thông qua, Habubank dự kiến phát hành 960 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho Habubank thực hiện phát hành vào quý 4/2011.


Tuy nhiên vào quý 4/2011, tình hình tài chính ngân hàng khó khăn và vấn đề báo chí đưa tin Habubank nợ xấu gây nên nhiều vấn đề và hơn nữa thị trường chứng khoán lúc này cũng chưa có dấu hiệu hồi phục.

Habubank cho rằng việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán là không khả thi. Trước tình hình đó, Habubank quyết định không phát hành 960 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo kế hoạch như Ủy ban Chứng khoán đã chấp thuận.

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Habubank Team building 2011

Ngày 2 và 3/4/2011, tại V-Resort (Kim Bôi, Hòa Bình), Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) đã tổ chức thành công Habubank Team building 2011 với sự tham gia của gần 80 thành viên trong Ban điều hành và các cán bộ quản lý Ngân hàng.

Với khẩu hiệu “Chung sức, chung niềm tin”, Habubank Team Building 2011 là cơ hội để các cấp quản lý Habubank học hỏi, trao đổi, kinh nghiệm quản lý, cách tạo động lực làm việc cho nhân viên của mình, vì một mục đích chung là hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. “Chúng ta sẽ cùng chung sức vượt qua mọi thử thách, khó khăn và cùng chung niềm tin sẽ hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh năm 2011” - Tổng Giám đốc Bùi Thị Mai phát biểu trong buổi khai mạc.
HBB 1.jpg
Habubank Team building 2011: Chung sức, chung niềm tin Tại hội thảo với chủ đề Nhiệt huyết kinh doanh, diễn giả Quách Tuấn Khanh - Chủ tịch Power UP Group - đã chia sẻ kinh nghiệm cách truyền nhiệt huyết, tạo động lực và niềm tin, cách nhìn mới về cơ hội và thử thách để cùng vượt qua mọi khó khăn, đạt được mục đích cuối cùng trong công việc và cuộc sống. Những bài thuyết trình về Các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các đội chơi đã được Ban giám khảo đánh giá cao bởi tính thực tiễn, giúp Habubank ngày càng thu hút khách hàng và nâng cao hình ảnh Ngân hàng.

Các đội đã tham gia nhiều trò chơi tập thể bất ngờ Trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, 6 đội đã tham gia nhiều trò chơi tập thể đầy bất ngờ: Gala Diễn cùng thần tượng, Đi tìm kho báu, Thời trang tóc và Nhận diện thương hiệu. Toàn bộ các trò chơi trong Chương trình đều đòi hỏi các thành viên trong đội phải đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, vượt lên chính mình để cùng giành chiến thắng. Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình chính là Gala Diễn cùng thần tượng với những tiết mục văn nghệ được "thiết kế" ngẫu hứng và đầy sáng tạo. Xen kẽ với đó là những video clip về gia đình, cuộc sống thường ngày của một số thành viên, những chia sẻ về công việc từ chính những người đang hàng ngày, hàng giờ làm việc cùng nhau... Đây chính là những dấu ấn giúp các thành viên hiểu và xích lại gần nhau hơn. Kết thúc Chương trình, Ban điều hành Habubank đã tổ chức trao giải Đặc biệt, Nhất, Nhì, Ba lần lượt cho các đội Ong Vàng, The First, Friendly và Chiến thắng.
Có thể nói Habubank Team building 2011 chính là chương trình giao lưu, học tập bổ ích giúp các cán bộ quản lý Habubank chia sẻ kinh nghiệm sống và làm việc, tạo sự đoàn kết, gắn bó vì mục tiêu chung sức xây dựng Habubank ngày càng vững mạnh.

Điều chỉnh lãi suất từ 11% về 9%

Kể từ hôm nay (11/6), trần lãi suất huy động đối với tiền đồng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh về 9%, so với mức 11% trước đó (áp dụng cho các kỳ hạn dưới 12 tháng). Riêng các kỳ hạn dưới một tháng, lãi suất về tối đa 2%. Nhưng trần lãi suất đối với các khoản vay từ 12 tháng trở lên được giao cho tổ chức tín dụng “tự định đoạt” dựa trên cơ sở thương lượng với khách hàng.

Trao đổi với báo chí hôm qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Lê Minh Hưng cho biết cơ sở để thực hiện thực hiện điều chỉnh này là do lạm phát có xu hướng giảm rõ rệt (cả năm dự báo chỉ khoảng 7-8%), thanh khoản ngân hàng được cải thiện, yêu cầu kích thích sản xuất - kinh doanh trong điều kiện cầu tiêu dùng kém, cũng như cụ thể hóa cam kết của Thống đốc về việc gỡ bỏ dần các biện pháp hành chính trong điều hành tiền tệ…

Dù phải giảm lãi suất trong bối cảnh nguồn vốn huy động lãi suất cao vẫn đang ứ trong hệ thống, nhưng nhiều ngân hàng thương mại nhiệt tình hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Trước khi quyết định của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, ngay tuần vừa rồi, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cả đầu vào và đầu ra.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước là một mũi tên trúng 4 đích: Doanh nghiệp, ngân hàng, người gửi tiền và Nhà nước. Theo ông Hưởng lãi suất 12-13% đã hợp lý để bắt đầu kinh doanh trở lại, vì vậy doanh nghiệp và ngân hàng có điều kiện tìm đến được với nhau, doanh nghiệp có vốn làm ăn, còn ngân hàng khơi thông được dòng vốn đang ứ đọng lâu nay.

"Về phía nhà nước, đây cũng sẽ là một cú kích cầu mới, giúp kích thích sản xuất kinh doanh trở lại. Trong khi đó, lợi ích của người gửi tiền vẫn được đảm bảo, với những người có tiền mà không muốn đầu tư kinh doanh, 9% là lợi tức hấp dẫn nếu so với kỳ vọng lạm phát 7-8% năm nay", ông Hưởng phân tích.

Tuy vậy quyết định giảm nhanh trần lãi suất huy động ngắn hạn (giảm 5% trong vòng hơn 2 tháng) nhưng lại thả trần lãi suất trung dài hạn đang dấy lên không ít nghi ngại chuyện chạy đua tăng lãi suất từ 12 tháng trở lên.

“Trong điều kiện sức khỏe ngân hàng còn chưa đồng đều, việc bỏ trần huy động trên 12 tháng có thể khiến các nhà băng lao tiếp vào cuộc đua tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài. Nguồn vốn cho vay ra đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lâu dài, theo đó cũng đắt đỏ hơn”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lo ngại.

Trên thực tế, vốn vay dưới 12 tháng chủ yếu để phục vụ nhu cầu vốn lưu động, kinh doanh ngắn hạn. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, phần lớn đều có nhu cầu vốn trung dài hạn. Mặt khác, hạ lãi suất ngắn hạn song các điều kiện tín dụng của ngân hàng vẫn rất khắt khe. Vì vậy trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp đang ốm yếu, không phải ai cũng có thể đủ tiêu chuẩn để tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, nguy cơ chạy đua đẩy lãi suất dài hạn lên cao có thể không xảy ra nếu Ngân hàng Nhà nước quyết tâm đưa ra phương án xử lý xong 9 ngân hàng yếu kém trong tháng 6.

"Như vậy, ít nhất sẽ không có chuyện các ngân hàng yếu kém có thể tiếp tục tham gia cuộc đua lãi suất, nhằm huy động vốn trong thời gian tới", ông nói.

Chia sẻ với VnExpress, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn thừa nhận mặc dù sẵn sàng cạnh tranh ưu đãi cho khách hàng tốt, nhưng nhiều ngân hàng vẫn dè dặt với các dự án vay vốn trung dài hạn.

"Một khi cho vay trung dài hạn, có nghĩa là phải gắn kết với doanh nghiệp đó trong thời gian dài, mà người trong nghề hay nói với nhau là “kết hôn” với doanh nghiệp. Muốn vậy, dự án kinh doanh của doanh nghiệp phải khả thi, hiệu quả tốt, độ an toàn cao, và bản thân doanh nghiệp cũng phải có uy tín, được ngân hàng tín nhiệm", ông nói.

Theo ông bối cảnh hiện nay, khi kinh tế vĩ mô chưa thực sự khởi sắc, các điều kiện thị trường thời gian tới chưa thực sự rõ ràng, nên không phải ngân hàng nào cũng hào hứng cho vay trung dài hạn, nếu có cho vay thì không phải doanh nghiệp nào cũng được vay. Cũng vì không mặn mà cho vay trung dài hạn, nên theo vị phó tổng này cho rằng khó có khả năng xảy ra cuộc đua đẩy lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.


Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng cho biết trong điều kiện tình hình tài chính lành mạnh, ngân hàng cũng “không dại” cho vay lãi suất quá cao. “Cho vay lãi cao, chẳng khác nào như đếm cua trong lỗ. Bởi lãi cao thì ít doanh nghiệp vay. Nếu vay thì hầu hết là các dự án rủi ro, rất khó thu hồi vốn”, ông Hưởng nói thêm. Ông cho biết, trước lần hạ trần lãi suất này, Liên Việt Post Bank đã cho doanh nghiệp tốt vay vốn lãi suất 11% và rất dè dặt nếu có khách hàng nào chấp nhận lãi suất quá cao.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng việc bỏ trần lãi suất tiền gửi dài hạn thực tế sẽ không dẫn tới một cuộc đua về huy động, gián tiếp khiến mặt bằng cho vay doanh nghiệp tăng cao. Bởi thực tế cho thấy rất ít doanh nghiệp cũng như ngân hàng nào trong giai đoạn hiện nay dám bỏ qua rủi ro, để ký một hợp đồng tín dụng dài đến 3 - 5 năm. “Lạm phát hiện có xu hướng đi xuống. Với đà này có thể xuống đến 5 - 6%. Như vậy, không anh nào dám ký một hợp đồng tín dụng 3 năm, với cái lãi khoảng 10% bây giờ cả”, ông Ánh phân tích.

Tuy vậy, theo nhận định của chuyên gia này, việc hạ trần huy động dưới 12 tháng, cũng như bỏ trần đối với các kỳ hạn dài thực tế cũng mới chỉ giải quyết được một nửa bài toán vốn cho doanh nghiệp là lãi suất, trong khi khả năng tiếp cận vốn vẫn còn nhiều nan giải. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt doanh nghiệp trước thách thức phải thay đổi nếu muốn khôi phục, mở rộng sản xuất. “Trên thế giới, gần như không có chuyện vay vốn ngân hàng để đầu tư trung - dài hạn. Nhưng ở ta, do chưa có kênh nào khác nên trước nay người ta vẫn làm. Nay ngân hàng như vậy, doanh nghiệp sẽ buộc phải năng động hơn nếu muốn có vốn đầu tư. Thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ có cơ hội phát triển”, ông Ánh gợi ý.

Tin liên quan
>> Habubank hết nợ xấu vẫn đứng vững sau khó khăn
>> Habubank chú trọng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng